Tăng cường hợp tác thúc đẩy thương mại nông sản

PHÚC HUY 10:23, 23/10/2024

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tiếp Tham tán nông nghiệp các nước Hoa Kỳ, Brazil, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch và Hà Lan về thúc đẩy thương mại nông sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tiếp Tham tán nông nghiệp các nước Hoa Kỳ, Brazil, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch và Hà Lan về thúc đẩy thương mại nông sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tiếp Tham tán nông nghiệp các nước Hoa Kỳ, Brazil, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Argentina, Đan Mạch và Hà Lan về thúc đẩy thương mại nông sản.

Tại buổi làm việc, Tham tán nông nghiệp các nước có ý kiến về Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn làm chậm việc đăng ký doanh nghiệp các nước được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang Việt Nam; làm chậm việc thông quan hàng hóa vào Việt Nam... Các tham tán quan ngại thông tư sẽ ảnh hưởng đến mở cửa thị trường với sản phẩm mới, hay một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Việt Nam nay bị gián đoạn…

Về việc đăng ký doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt sang Việt Nam, ông Chu Nguyên Thạch, Trưởng Phòng Kiểm dịch động vật, Cục Thú y cho biết, đối với các nước ngoài EU, thời gian xử lý hồ sơ trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Đối với các nước EU, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–EU (EVFTA), thời gian xử lý hồ sơ là trong vòng 45 ngày. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020), việc xét duyệt hồ sơ theo đúng cam kết tại Hiệp định EVFTA, do vậy tại các cuộc họp Ủy ban SPS (các thành viên WTO nhóm họp thường xuyên để thảo luận về các biện pháp kiểm dịch động thực vật), phía EU luôn bày tỏ hài lòng với việc Việt Nam công nhận Danh sách nhà máy xuất khẩu thịt của EU.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc kiểm dịch nhập khẩu các sản phẩm động vật vào Việt Nam gặp một số khó khăn, vướng mắc do không thống nhất tên hàng hóa. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Chu Nguyên Thạch cho biết, Cục Thú y đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Cơ quan có thẩm quyền của các nước đề nghị cập nhật Danh mục các sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể nhằm bảo đảm thống nhất giữa: Danh sách các quốc gia, các doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể cho từng loại sản phẩm; Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; Đơn của các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu sản phẩm động vật; Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu của Việt Nam; mã số HS cho từng sản phẩm động vật theo quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BNNPTNT và Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT.

Đến nay, có 12/26 quốc gia đã gửi lại Danh mục với hàng nghìn sản phẩm động vật với tên gọi cụ thể. Danh sách rất dài và rất nhiều, do đó Cục Thú y đang tập trung rà soát, đối chiếu để cập nhật và công bố Danh mục này trên trang web của Cục Thú y.

Tăng cường hợp tác thúc đẩy thương mại nông sản ảnh 1

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Về kiểm dịch thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu, ông Chu Nguyên Thạch cho biết, 9 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu trên 460.000 tấn thịt và phụ phẩm động vật dùng làm thực phẩm, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy đến nay, việc triển khai Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT không làm ảnh hưởng đến số lượng sản phẩm động vật từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam.

Thực hiện Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT, cơ quan kiểm dịch đã xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella và E.coli đối với sản phẩm động vật nhập khẩu. Qua đó cho thấy, từ khi Thông tư 04 có hiệu lực (16/5/2024) đến nay, có 64 lô (với hơn 1.489 tấn) dương tính với Salmonella, trong tổng số 10.534 lô hàng xét nghiệm Salmonella, chiếm gần 0,61% số lô hàng.

“Như vậy, nếu không xét nghiệm Salmonella, đã có một lượng lớn thịt động vật bị nhiễm Salmonella được nhập khẩu vào Việt Nam, nguy cơ rất cao gây ra dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam”, ông Chu Nguyên Thạch nêu ra.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thông tin, năm 2024, số vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam không tăng nhưng số người bị tăng rất cao. Nguyên nhân chủ yếu do Salmonella. Việc kiểm soát Salmonella tốt đã giúp cho số người, số vụ ngộ độc giảm đáng kể.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo của các quốc gia trong xuất khẩu. Với tinh thần cầu thị để hợp tác thương mại hai chiều tốt hơn, Thứ trưởng mong tiếp tục có sự phối hợp giữa các tham tán, cơ quan thú y các nước với thú y Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện thông thoáng cho thương mại nông sản giữa Việt Nam và các nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Cục Thú y tiếp tục phối hợp với các tham tán, cơ quan thú y các nước giải đáp các vướng mắc đến tận cùng vấn đề nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt, đặc biệt là liên quan đến Thông tư 04. Qua đó để hai bên hiểu, hợp tác và thúc đẩy thương mại hơn nữa.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN