Sóc Trăng chung tay tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu

THÚY LIỄU 07:11, 06/09/2024

STO - Trong 7 năm qua (năm 2017), Việt Nam đã không ngừng triển khai các giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng” để việc xuất khẩu hải sản thuận lợi hơn. Để chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai hàng loạt các hoạt động, giải pháp cụ thể nhằm thông tin, tuyên truyền đến thuyền trưởng, chủ tàu, người lao động tham gia đi biển nắm biết về các quy định và tuân thủ đúng luật định khi khai thác trên biển, nhằm sớm tháo gỡ “Thẻ vàng” trong thời gian tới.​​​​​​​​​​​​​​

Sóc Trăng có tổng số tàu thuyền đã đăng ký là 803 chiếc, với tổng công suất 208.163CV, trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 345 chiếc hoạt động vùng khơi, số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 8.631 người. Để kịp thời ngăn chặn việc tàu cá của tỉnh khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt là việc chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành 4 thông báo; 12 kế hoạch thực hiện; 4 quy chế phối hợp; 6 quyết định và 22 văn bản chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, để kịp thời khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã tổ chức 8 cuộc họp, 2 cuộc đối thoại trực tiếp với ngư dân và tổ chức 7 đợt kiểm tra thực tế tại địa phương để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên đến kiểm tra hồ sơ, thủ tục của các chủ tàu cá trước khi rời cảng. Ảnh: THÚY LIỄU
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên đến kiểm tra hồ sơ, thủ tục của các chủ tàu cá trước khi rời cảng. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lư Tấn Hòa - Tổ trưởng Tổ kiểm tra, kiểm soát về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Cảng cá tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 345 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt máy giám sát hành trình, đạt 100%. Số tàu này đã được cập nhật và hiển thị vị trí trên hệ thống giám sát hành trình của Cục Thủy sản. Hệ thống giám sát tàu cá hoạt động 24/24 giờ để theo dõi tàu cá hoạt động khai thác trên biển, các trường hợp mất kết nối được thông báo nhanh đến chủ tàu để kịp thời khắc phục, đặc biệt thực hiện cảnh báo sớm, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

“Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Sóc Trăng không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Để công quản lý tàu cá hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1485/QĐ-UBND công bố, điều chỉnh giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng; Quyết định số 1825/QĐ-UBND công bố danh sách 259 tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cũng đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang kiểm tra, giám sát 13 tàu cá mua bán, sang nhượng chủ quyền nhưng chưa đăng ký lại theo quy định, xác minh 10 tàu cá mất kết nối với máy giám sát hành trình”, đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiêm Phó Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhằm chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Sóc Trăng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 22/4/2024 của Chính phủ; Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ; các công điện của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở chủ tàu mang đầy đủ hồ sơ tàu, thuyền, thực hiện nghiêm việc khai báo khi tàu cập và rời cảng; ghi nhật ký hành trình khai thác, đánh bắt đúng các ngư trường được phép, tạo thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc xuất xứ của các loại thủy sản khai thác. Thực hiện xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo đúng quy định. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định...".

THÚY LIỄU