Phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp

THÚY LIỄU 05:53, 06/10/2024

STO - Trong những năm qua, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Thiên tai chủ yếu là xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, đê sông, đê cồn và triều cường dâng cao vào các tháng gần cuối năm. Trước những tác động tiêu cực của thiên tai, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng luôn chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất như: cơ cấu mùa vụ canh tác phù hợp cho từng vùng, xây dựng công trình gia cố sạt lở...

Diễn biến thiên tai

Xâm nhập mặn thường xuất hiện trên sông Hậu vào giữa tháng 2/2024 kéo dài đến hết tháng 5/2024, ranh mặn 4gam/lít, vào sâu trong nội đồng từ 50 - 55km. Thời điểm chân triều thấp, khu vực cống đầu nguồn vùng Long Phú - Tiếp Nhựt không xuất hiện nước ngọt theo quy luật, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tại Long Phú - Tiếp Nhựt, vụ lúa Đông - Xuân muộn ngoài kế hoạch, có một số diện tích lúa bị ảnh hưởng do nguồn cung cấp nước bị hạn chế. Còn tại thị xã Ngã Năm, từ cuối tháng 4/2024 đến nửa đầu tháng 6/2024, mặn xâm nhập cường độ cao từ hướng Bạc Liêu và Xẻo Chít, vị trí 5 ngả có nguy cơ nhiễm mặn rất cao. Khu vực xã Vĩnh Quới, độ mặn thường xuyên duy trì trên 8gam/lít, dẫn đến thiếu nước sản xuất cục bộ, ảnh hưởng xuống giống lúa Hè - Thu năm 2024.

Đối với hiện tượng sạt lở, tuyến đê biển Vĩnh Châu thuộc khu vực K39 - K45 tiếp tục bị xâm thực mạnh, sóng biển uy hiếp trực tiếp vào thân đê, nguy cơ vỡ đê cao. Huyện Cù Lao Dung sạt lở nghiêm trọng trên đê Tả Hữu thuộc xã: An Thạnh Đông, Đại Ân 1. Tại  xã Song Phụng, huyện Long Phú, trên sông Rạch Mọp, từ đầu năm 2024 đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng (khu vực âu thuyền đến vàm sông Hậu, khu vực miếu Bà Chúa Xứ), ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, các tuyến đê cồn trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách và tuyến đê sông Mỹ Thanh, huyện Trần Đề đang diễn ra sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa lũ sắp tới. Tại huyện Mỹ Tú, dòng chảy làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Nhu Gia, xói lở khu vực cống Tam Sóc thuộc xã Mỹ Thuận.

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến khảo sát tuyến đê biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: THÚY LIỄU
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến khảo sát tuyến đê biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu chia sẻ, với đặc thù là địa phương được bao quanh bởi biển Đông và sông Mỹ Thanh nên tình hình xâm nhập mặn tại thị xã diễn ra quanh năm. Trong mùa mưa, độ mặn dao động từ 1 - 5‰ và các tháng mùa khô, độ mặn dao động từ 6‰ đến trên 20‰. Cuối năm 2023, đầu năm 2024 do ảnh hưởng của triều cường dâng cao kèm theo gió mạnh, sóng lớn trên biển đã làm sạt lở nhiều đoạn đê biển Vĩnh Châu (xã Vĩnh Hải), chiều dài trên 200m.

Ứng phó thiên tai

Theo dự báo của ngành chuyên môn, do tác động của hiện tượng La Nina, tổng lượng mưa các tháng còn lại của năm 2024 cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 10%. Dự báo mực nước đạt đỉnh triều vùng ven biển, các sông khu vực tỉnh Sóc Trăng tăng dần đến cuối năm và đạt đỉnh năm 2024 vào tháng 10 dương lịch, sau đó tiếp tục duy trì ở mức cao. Hiện tượng dông lốc, mưa lớn cục bộ cường độ mạnh xảy ra trong thời điểm chuyển mùa, các đợt mưa lớn diện rộng và kéo dài ngày trong các tháng 9, 10/2024.

Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, để kịp thời ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất của người dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã quan trắc độ mặn trên các sông, kênh, rạch trước khi lấy nước phục vụ sản xuất. Triển khai kế hoạch sản xuất đối với các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, dịch chuyển lịch thời vụ để né mặn. Vận hành các công trình thủy lợi trên nguyên tắc đảm bảo cung cấp nước sản xuất, nước sinh hoạt và giao thông. Đối với vùng nguy cơ ảnh hưởng mặn cao như các huyện: Kế Sách; Cù Lao Dung và Long Phú - Tiếp Nhựt, khuyến cáo địa phương thường xuyên tuyên truyền cho nông dân tích trữ nguồn nước ngọt tối đa vào các kênh mương, ao đầm, khu vực trũng ở bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, rạch khi đủ điều kiện.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cùng với giải pháp phi công trình ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, đơn vị còn thực hiện giải pháp công trình, đó là đầu tư sửa chữa các cống, bồi trúc đê bao, nạo vét các tuyến kênh nội đồng. Gia cố các tuyến bờ bao trên địa bàn Cù Lao Dung, các cồn trên sông Hậu, đảm bảo an toàn vừa ngăn mặn, chống triều cường, bảo vệ diện tích sản xuất. Đưa vào sử dụng hệ thống kè ngầm chắn sóng ven biển tại các điểm xung yếu từ ranh Bạc Liêu đến cống số 4, khẩn trương thi công đoạn K39 - K45. Nâng cấp tuyến đê sông Tả - Hữu Cù Lao Dung và hoàn thiện xây dựng mới 40km hệ thống đê bao kiên cố từ bờ bao của dân (WB9) đảm bảo ngăn được mặn và chống triều cường trong khu vực thuộc các xã: An Thạnh Tây, An Thạnh 2...

THÚY LIỄU