Anh T.T.T, ngụ tại thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) là một trong những người chấp hành xong án phạt tù vừa được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg với số tiền vay được là 60 triệu đồng. Số vốn này, T dùng để cải tạo lại vườn tạp, trồng lại cây ăn trái có chất lượng cao hơn, bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời. “Khi trở về địa phương, hằng tháng chính quyền địa phương đều đến gặp gỡ trao đổi, động viên và tuyên truyền, phổ biến pháp luật để tôi làm lại cuộc đời” - T chia sẻ.
Đồng chí Phạm Thị Cẩm An - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách cho biết, những người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường xuyên được động viên từ các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, lực lượng công an tại địa phương, nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm. Từ khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thị trấn đã phối hợp với cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cũng như ban ngành, đoàn thể đến trực tiếp tuyên truyền, rà soát đối với 3 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng để hỗ trợ vốn. Qua đó, đã xét được là 2 trường hợp và giải ngân đúng quy định.
Sau khi trở về địa phương hoàn lương tiến bộ, thanh niên được vay vốn cải tạo vườn tạp, nhằm tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Đồng chí Phạm Thị Cẩm An cũng thông tin thêm, trên địa bàn thị trấn còn có sự đồng hành, sẻ chia của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tạo điều kiện cho người từng lầm lỗi có việc làm ổn định. Qua đó vừa giúp người lầm lỡ có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống, vừa góp phần ngăn chặn những người chấp hành xong án phạt bị túng quẫn dẫn đến tái phạm pháp.
Còn đối với anh L. P. S, ngụ xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, qua quá trình hòa nhập cộng đồng, anh được chính quyền địa phương tin tưởng giới thiệu cho vay 60 triệu đồng làm nghề mua bán phế liệu.
Anh L. P. S, ngụ xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tâm sự:
Tôi từng phạm sai lầm rồi phải trả giá. Trở về địa phương trong sự cảm thông của nhiều người, tôi thấy thật ấm lòng. Tôi sẽ cố gắng bỏ lại quá khứ và tái hòa nhập cộng đồng để có cuộc sống như bao người khác trong xã hội, đây cũng là điều mà cơ quan chức năng mong muốn, dặn dò khi chấp hành xong án phạt tù. Nhờ vốn vay đã giúp tôi có điều kiện làm lại nghề mua phế liệu và cuộc sống dần ổn định.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023, đối tượng được vay vốn là cá nhân người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội được hỗ trợ mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù mức vay tối đa là 2 tỷ đồng một dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời hạn vay tối đa là 120 tháng, với lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đến thăm hỏi, động viên người được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thì đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo đến các đơn vị phối hợp triển khai. Đồng thời, Ban Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng chỉ đạo cho chi nhánh các địa phương phối hợp với UBND, công an, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm vay vốn rà soát các đối tượng thụ hưởng; các hộ gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn thì hướng dẫn làm hồ sơ và giải ngân theo quy định. Từ khi triển khai đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân cho 145 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền gần 8,5 tỷ đồng. Riêng năm 2024, đã giải ngân cho 100 trường hợp được vay vốn với số tiền gần 6,3 tỷ đồng. Qua hỗ trợ vốn vay đối với người chấp hành xong án phạt tù đến nay thì cho thấy nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, các đối tượng cũng chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Trịnh Bích Tuyền mong muốn qua sự tiếp sức về vốn sẽ giúp cho người tái hòa nhập cộng đồng xây dựng cho mình được niềm tin, nghị lực, ý chí vững vàng để tránh sa ngã và vi phạm pháp luật. Phát huy hiệu quả vốn vay vươn lên trong cuộc sống, đồng thời chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tôi mong muốn người chấp hành xong án phạt tù về tái hòa nhập cộng đồng là rút ra được kinh nghiệm từ quá trình học tập, cải tạo đó để tuyên truyền, vận động cho gia đình, người thân làm như thế nào tránh được sa ngã, vi phạm pháp luật. Đồng thời, sau khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì phải có kế hoạch làm kinh tế, chí thú làm ăn, sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả nhất.
Đồng chí Trịnh Bích Tuyền chia sẻ
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách thể hiện sâu sắc tính nhân văn, nhân đạo, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Qua đó không chỉ giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống mà còn giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đây còn là chính sách góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng và Nhà nước.
SONG LÊ - ĐỨC TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin