Những nẻo đường trên tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp

Nhóm tác giả 06:05, 02/11/2024

STO - Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp đi xuyên qua 4 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, tổng chiều dài hơn 100km. Đoạn trên địa bàn Sóc Trăng đi qua huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm hơn 30km. Tuyến quốc lộ này nằm trên bờ kênh Quản lộ Phụng Hiệp, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, nối dài từ vùng sông nước Cà Mau qua Ngã Năm, Ngã Bảy, Trà Ôn, Mỹ Tho đến Thành phố Hồ Chí Minh phồn hoa. Nó giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kỳ 2: Cửa ngõ phía Tây đầy tiềm năng và triển vọng

Thị xã Ngã Năm nằm cách trung tâm tỉnh Sóc Trăng 60km, có Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp đi qua, được xem là cửa ngõ phía Tây của tỉnh với vị trí giáp ranh với 2 tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu và huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Những năm qua, thị xã Ngã Năm đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ và là đô thị trẻ đầy tiềm năng đang kỳ vọng phát triển.

Rời địa bàn các xã: Long Hưng, Hưng Phú của huyện Mỹ Tú, chúng tôi tiếp tục xuôi tuyến Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp về hướng tỉnh Cà Mau và điểm dừng là thị xã Ngã Năm - một đô thị đầy tiềm năng ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh Sóc Trăng.

Thị xã Ngã Năm vốn nổi tiếng có chợ nổi trong vùng. Từ nửa đêm đến mặt trời ló dạng, chợ tấp nập kẻ bán, người mua rộn rã cả khúc sông. Thậm chí, muốn qua bên kia sông, không cần đi đò mà chỉ cần bước chuyền từ ghe này sang ghe kia là qua được. Những chiếc ghe đầy ắp hàng hóa, trên bờ có gì thì dưới sông này có thứ ấy. Chỉ cần nhìn những chiếc ghe treo cây bẹo món hàng gì thì cứ đến mua và đặc biệt là không nói thách, không trả giá, thuận mua vừa bán, đôi đường vui vẻ. Kèm theo đó, những món ăn điểm tâm, như: bún nước lèo, hủ tiếu, bánh canh, cơm tấm hay các thức uống khác, cà phê cà pháo có đủ cả. Các chị, các cô với chiếc áo bà ba đủ màu sắc duyên dáng, uyển chuyển càng tạo cho màu sắc, không gian chợ thêm phần hưng phấn.

Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ và là đô thị trẻ đầy tiềm năng đang kỳ vọng phát triển. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ và là đô thị trẻ đầy tiềm năng đang kỳ vọng phát triển. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Vừa vào địa phận thị xã, chúng tôi thấy ngay sự phát triển khá nhanh của một đô thị trẻ, với hạ tầng giao thông kết nối rộng khắp. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu, kết nối trung tâm thị xã với tuyến Quốc lộ 61B và Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp được đầu tư, đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư với nhiều dự án tiềm năng, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội thị xã.

Chị Út Kiếm, Phường 2 (thị xã Ngã Năm) cho biết: “Thị xã bây giờ phát triển vượt bậc, mình là dân thị xã nên cảm thấy rất tự hào, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Từ khi có Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp đi qua đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân trong cuộc sống, đi lại nhanh chóng hơn, lúa thóc, hàng hóa làm ra được vận chuyển dễ dàng hơn, buôn bán thuận lợi hơn”.

Dọc theo tuyến lộ có rất nhiều nông sản địa phương được các hộ dân bày bán thật sự bắt mắt, cũng không ít khách vãng lai ghé lại mua về một ít để làm quà cho chuyến đi ngang qua thị xã Ngã Năm. Từ đó, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân sống cạnh tuyến quản lộ.

Chị Huỳnh Thị Nga, Phường 1 (thị xã Ngã Năm) chia sẻ: “Hàng hóa tôi bày bán có nấm rơm, bồn bồn, năn. Mùa nào tôi bán thức nấy, mỗi ngày cũng kiếm tiền kha khá, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Từ khi có quản lộ, nhiều người dân có thêm công chuyện mua bán cho khách vãng lai qua lại trên quản lộ, kiếm thêm tiền cá tép”.

Dọc theo tuyến lộ có rất nhiều nông sản địa phương được các hộ dân bày bán. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Dọc theo tuyến lộ có rất nhiều nông sản địa phương được các hộ dân bày bán. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Các thương buôn lấy hàng tại địa phương bán lại. Nấm rơm từ vùng Vĩnh Quới được gọi là nơi gà gáy 3 tỉnh đều nghe; năn từ vùng Mỹ Quới, Ngan Dừa (Bạc Liêu) hay bên Vĩnh Thuận (Kiên Giang); bồn bồn của Hậu Giang, Kiên Giang nức tiếng đem qua.

Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã Ngã Năm có bước phát triển kinh tế khá nổi bật. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2024, vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn thị xã Ngã Năm đạt năng suất 7,9 tấn/ha, sản lượng đạt 145.230 tấn; vụ lúa Hè - Thu đã thu hoạch dứt điểm, năng suất ước đạt 5,57 tấn/ha, sản lượng đạt 103.045 tấn. Tổng diện tích gieo trồng cả năm 38.346,39ha (bao gồm 1.346,39ha vụ Thu - Đông tại một số xã, phường), năng suất bình quân ước đạt 6,74 tấn/ha (tăng 0,23 tấn/ha so với năm 2023), tổng sản lượng lúa ước đạt 249.195 tấn, đạt 105,2% chỉ tiêu của nghị quyết; tỷ lệ diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 98,35%, trong đó, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm đạt 81%/tổng diện tích, đạt 110,2% so với Kế hoạch của tỉnh và 101,4% so với kế hoạch thị xã.

Bên cạnh đó, trồng màu và cây ăn trái được quan tâm thực hiện với 4.180ha, vượt 22,9% so với kế hoạch tỉnh và 84,6% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 2,37% so với cùng kỳ năm 2023. Xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ được duy trì tăng trưởng; tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước đạt 2.920 tỷ đồng.

Được biết, trong thời gian tới, thị xã Ngã Năm sẽ mở rộng quy mô đô thị và nâng cao chất lượng đô thị; đề ra các giải pháp phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế tiềm năng của địa phương, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã đi kèm với chính sách nâng cao chất lượng đời sống người dân; định hướng xây dựng thị xã Ngã Năm thành đô thị loại III.

Nhóm tác giả