Tiềm năng phát triển du lịch tâm linh

CTV 04:57, 16/12/2024

STO - Vùng đất Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) từ lâu đã nổi danh với những giá trị văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng đặc sắc. Theo đó, ba điểm đến tiêu biểu là đình Hòa Tú, Ba Thắc cổ miếu (hay còn gọi là chùa Ông Ba) và chùa Chén Kiểu không chỉ đại diện cho nét đẹp văn hóa Nam Bộ mà còn mở ra tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Việc liên kết các địa điểm này thành một hành trình khám phá sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn về lịch sử, tâm linh và bản sắc địa phương.

Tọa lạc tại ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, đình Hòa Tú được xây dựng vào năm 1852 dưới triều Vua Tự Đức. Đây là nơi gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, trở thành biểu tượng bất khuất của nhân dân Sóc Trăng trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

Không gian cổ kính với mái ngói âm dương, cùng những hiện vật quý giá được lưu giữ tại đình đã tái hiện lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Hằng năm, vào ngày 23/11, lễ kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ được tổ chức trang trọng tại đây, thu hút hàng nghìn người tham dự. Đình Hòa Tú không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử mà còn là điểm khởi đầu lý tưởng trong hành trình khám phá văn hóa Sóc Trăng.

Còn Ba Thắc cổ miếu nằm tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, là một trong những ngôi miếu cổ kính nhất Sóc Trăng. Với lối kiến trúc mộc mạc, miếu mang đến cảm giác bình dị, linh thiêng. Đặc biệt, cây tra lâm vồ hơn 200 năm tuổi và bàn thờ đá - được xem là “cốt của ông” - tạo nên nét huyền bí độc đáo cho ngôi miếu này.

Ba Thắc cổ miếu còn là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ Neak Tà của người Khmer, một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc tại Sóc Trăng. Vào ngày lễ lớn, nơi đây thu hút đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, cầu nguyện, tạo nên một không gian văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa.

Chùa Chén Kiểu tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: THIỆN NHẬN

Cách không xa Ba Thắc cổ miếu, chùa Chén Kiểu, tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên được xây dựng từ năm 1815. Chùa là một trong những biểu tượng kiến trúc độc đáo của người Khmer Nam Bộ. Toàn bộ tường, mái và các cột trụ của chùa đều được khảm bằng những mảnh chén, dĩa sứ nhiều màu sắc, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa Khmer, chùa Chén Kiểu còn là trung tâm tổ chức các lễ hội lớn như Sene Đôn Ta và Oóc om bóc, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Du khách đến đây không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa sôi động mà còn tìm thấy sự tĩnh lặng, thanh thản trong tâm hồn.

Việc kết nối đình Hòa Tú, Ba Thắc cổ miếu và chùa Chén Kiểu thành một tuyến du lịch liên hoàn sẽ tạo ra giá trị lớn cho ngành du lịch Sóc Trăng. Hành trình này không chỉ giúp du khách hiểu thêm về lịch sử kháng chiến, văn hóa tín ngưỡng và nghệ thuật kiến trúc mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của Sóc Trăng đến du khách trong và ngoài nước.

Đình Hòa Tú, Ba Thắc cổ miếu và chùa Chén Kiểu là ba điểm đến tiêu biểu cho bức tranh văn hóa - lịch sử - tâm linh của huyện Mỹ Xuyên. Việc phát huy tiềm năng của những địa điểm này không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch. Đây là cơ hội để Sóc Trăng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch miền Tây Nam Bộ, trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu mến văn hóa và lịch sử Việt Nam.

THIỆN NHẬN