Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng

07:48, 23/11/2024

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng "Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc" và triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại mít tinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại mít tinh

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kháng thuốc đang là một mối đe dọa nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc nên kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng khó khăn hoặc không thể, làm tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Đặc biệt, tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Kết quả giám sát kháng thuốc gần đây cho thấy, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Có khoảng 25% số bệnh nhân điều trị nội trú sử dụng kháng sinh không hợp lý. Trong khi đó, báo cáo của Hệ thống giám sát sử dụng và kháng thuốc toàn cầu cho thấy, tại 76 quốc gia có 42% vi khuẩn E.coli kháng thuốc Cephalosporin thế hệ thứ ba. Đối với các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli gây ra, cứ 5 trường hợp thì có 1 trường hợp giảm khả năng nhạy cảm với các loại kháng sinh tiêu chuẩn, như: Ampicillin, Co-trimoxazole và Fluoroquinolone… điều này khiến việc điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng thông thường trở nên khó khăn hơn.

Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Ước tính vi khuẩn kháng thuốc là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,27 triệu ca tử vong và góp phần gây ra 4,95 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống y tế và nền kinh tế. Kháng thuốc khiến chi phí điều trị gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất lao động của bệnh nhân và người chăm sóc khi phải điều trị dài ngày.

“Kháng kháng sinh trong bệnh viện gây ra nguy cơ thất bại điều trị rất cao và giá thành của thuốc điều trị cũng cao hơn rất nhiều lần. Một liệu trình điều trị thông thường khoảng 5-7 hoặc 10 ngày kháng sinh, nhưng với trường hợp kháng kháng sinh, quá trình điều trị có thể lên 3 tuần kháng sinh”, TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo.

NGUYỄN QUỐC/Báo SGGP