Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 3,1 độ C nếu thế giới không hành động nhanh hơn

KIM PHƯỢNG 09:04, 25/10/2024

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát đi cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo thế giới không còn nhiều thời gian để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc.

UNEP cảnh báo rằng tốc độ hành động vì khí hậu hiện nay sẽ dẫn đến mức tăng 3,1 độ C trong thế kỷ này. Ảnh: Pablo Porciuncola

Theo báo cáo mới của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thập kỷ tới rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có nguy cơ sẽ “tan thành mây khói”.

Trong báo cáo mới nhất về khoảng cách phát thải, UNEP cho biết, tốc độ ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay sẽ dẫn đến mức nóng lên thảm khốc 3,1 độ C trong thế kỷ này, gấp đôi mức tăng đã được nhất trí gần một thập kỷ trước tại Paris (Pháp).

Và thậm chí nếu tất cả các cam kết cắt giảm khí thải được thực hiện như đã hứa, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng 2,6 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp - một kịch bản vẫn tàn khốc đối với nhân loại.

Dự báo mới nhất của UNEP vượt xa mức 1,5 độ C- mức mà các quốc gia đã nhất trí tại Thoả thuận Paris năm 2015, mức an toàn nhất để giảm thiểu hậu quả tồi tệ của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ông Guterres nhận định, các quốc gia thuộc nhóm G20 nói riêng sẽ cần phải thể hiện nhiều tham vọng hơn nữa trong vòng cam kết về khí hậu tiếp theo, dự kiến ​​vào đầu năm 2025.

David King, thuộc Nhóm tư vấn về khủng hoảng khí hậu, cho biết những cam kết này là "cơ hội cuối cùng tốt nhất của chúng ta để thay đổi lộ trình. Để tránh viễn cảnh nhân loại phải vật lộn để tồn tại, các quốc gia phải tận dụng cơ hội trong năm tới ".

UNEP đánh giá giới hạn 1,5 độ C "vẫn khả thi về mặt kỹ thuật", nhưng chỉ có thể đạt được khi lượng khí thải giữ nhiệt giảm đáng kể vào năm 2035, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo cho rằng các quốc gia phải cùng nhau cam kết và thực hiện cắt giảm 42% lượng khí thải nhà kính hằng năm vào năm 2030 và đạt 57% vào năm 2035 thì mới có hy vọng ngăn chặn tình trạng nóng lên vượt quá 1,5 độ C - một mục tiêu hiện được coi là ngoài tầm với.

Các quốc gia sẽ tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) tại Azerbaijan vào tháng 11 để xây dựng thỏa thuận đã đạt được vào năm 2023 về quá trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Các cuộc đàm phán ở Baku sẽ giúp thông tin về chiến lược cắt giảm khí thải mới nhất của mỗi quốc gia, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), dự kiến diễn ra ​​vào tháng 2-2025.

Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc- Inger Andersen đã thúc giục các nước sử dụng các cuộc đàm phán tại Baku để tăng cường hành động trong NDC của họ.

Kim Phượng/Báo Hànộimới