Năm 2024, dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ, nhiều cuộc thanh tra giao đột xuất nhưng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành Thanh tra đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC |
Toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và 41ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 72.183 tỷ đồng, 204ha đất; ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng...
Tại hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã thảo luận, đánh giá những ưu điểm, kết quả nổi bật của công tác thanh tra năm 2024, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và biểu dương sự cố gắng với những kết quả của ngành Thanh tra trong năm 2024. Định hướng nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra. Thanh tra Chính phủ phải nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt quy định về tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực…
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin