Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thị ủy, HĐND, UBND, các cơ quan, ban, phòng, ngành thị xã và trực tiếp là Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ngã Năm đã hướng dẫn, triển khai, tổ chức kịp thời các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ và duy trì tốt hoạt động một số lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer. Trên địa bàn thị xã hiện có 2 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đó là xã Vĩnh Quới và xã Tân Long; có 60/61 khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 chùa Khmer tại xã Vĩnh Quới, đây là những nơi tổ chức sinh hoạt và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây còn là nơi hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức truyền dạy nhạc Ngũ âm và các điệu múa rom vong, dạy chữ cho đồng bào Khmer...
![]() |
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Ảnh: QUANG BÌNH |
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình đưa thông tin về cơ sở vùng sâu, vùng xa, trên địa bàn thị xã có tiếp âm truyền thanh tiếng dân tộc Khmer, chương trình đào tạo chữ Khmer cũng được các cấp, các ngành quan tâm đưa vào giảng dạy tại chùa Ô Chum, xã Vĩnh Quới. Đối với việc phát triển kinh tế, giảm nghèo, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế... công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào Khmer. Mức độ hưởng thụ văn hóa, mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu.
Song song đó, UBND thị xã Ngã Năm đã chỉ đạo ngành chức năng có liên quan triển khai các nội dung của Dự án 06 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, gồm: sưu tầm nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ truyền thống; các hiện vật, ẩm thực, vật dụng, nghề truyền thống; nghề điêu khắc, dệt chiếu, chạm khắc hoa văn… Phát triển chùa Ô Chum, xã Vĩnh Quới thành điểm đến du lịch trong tour du lịch của thị xã Ngã Năm. Đồng thời triển khai Dự án số 10 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 2021 - 2025, các ngành chức năng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bàn ghế, âm thanh, nhạc cụ cho các ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới và ấp Long Thành, xã Tân Long.
Bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và các hoạt động lễ hội truyền thống như: cơ sở vật chất nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở vật chất các điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức bảo quản thiết chế văn hóa cũng như trang thiết bị của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, một số nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer đang bị mai một do thiếu nghệ sĩ, nghệ nhân tâm huyết để bảo tồn và phát huy. Việc dạy và học chữ Khmer còn bất cập, thiếu sách giáo khoa, thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên trong vùng đồng bào Khmer. Hiện nay, trong cộng đồng dân tộc thiểu số về các hình thức sinh hoạt trò chơi dân gian, văn hóa truyền thống đang trong tình trạng có nguy cơ bị lãng quên, do sự tác động của cơ chế thị trường, đời sống văn hóa, tinh thần, do sự phát triển của các trò chơi game, internet lấn chiếm một số nhạc cụ, trò chơi dân gian truyền thống.
Đồng chí Lê Minh Chiến - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ngã Năm cho biết, để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số là một vấn đề cấp thiết; đồng thời góp phần thêm sinh động văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, địa phương đề nghị ngành chức năng tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn từ Dự án số 06, Dự án 10 về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 2021 - 2025 đối với xã Vĩnh Quới và xã Tân Long; đồng thời thực hiện việc khảo sát, thống kê và phân loại các lễ hội, các trò chơi dân gian, truyền thống, phong tục tập quán, nghiên cứu sưu tầm những giá trị loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể để cần bảo tồn, lưu giữ, khôi phục. Đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số về chuyên môn và có tâm huyết về công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian. Quan tâm duy trì và phát huy hơn nữa công tác giảng dạy chữ Khmer cho con em người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, nhận thức về văn hóa dân gian trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ tổ chức khôi phục lại các hoạt động trò chơi đã có trước đây, và nhận thức đúng đắn về giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức vui chơi, giao lưu các nhạc cụ dân tộc và múa hát dân gian sẽ tạo ra môi trường tốt cho sinh hoạt văn hóa dân gian. Qua đó kịp thời biểu dương những địa phương quan tâm lưu giữ được truyền thống văn hóa dân tộc và những nghệ nhân có tâm huyết, những tài năng trẻ cần phải động viên quan tâm kịp thời. Nâng cao đời sống kinh tế trong cộng đồng bằng chương trình chính sách giảm nghèo, những chính sách ưu đãi, truyền đạt áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động trò chơi dân gian, đi đôi với xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người có uy tín, các nghệ nhân, các hoạt động: múa Rom vong, Saravanh, ca hát nhạc Khmer… nhằm quy tụ người có năng khiếu về đam mê lĩnh vực văn hóa truyền thống; có chính sách bồi dưỡng đối với người quản lý, nghiên cứu sưu tầm và các nghệ nhân truyền đạt, lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.
PHƯƠNG ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin