Đến với chùa Kom Pong Tróp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), chúng tôi thấy các thợ, vị sư đang hoàn thiện chiếc ghe ngo. Đây là chiếc ghe ngo có chiều dài gần 30m, do nghệ nhân Danh Tùng đảm nhận sửa chữa lại toàn bộ.
Theo nghệ nhân Danh Tùng, ngày xưa, tuk ngua (ghe ngo) là thuyền độc mộc, được làm bằng một thân cây sao nguyên vẹn nhưng ngày nay những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa. Vì thế, ghe ngo được đóng bằng gỗ cây sao. Gỗ sao đưa xuống nước thì hạp, thứ nhất là không bị thấm nước; thứ hai nữa là độ đàn hồi gỗ sao rất tốt.
Thợ đang hoàn thiện công đoạn chiếc ghe ngo chùa Kom Pong Tróp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH |
Đứng xem thợ hoàn thiện chiếc ghe ngo của chùa, ông Dương Chiên - thành viên ban tổ chức đội ghe ngo chùa Kom Pong Tróp cho hay: “Năm nay, nhà chùa rất quan tâm đến công tác chuẩn bị tham gia Lễ hội, từ khâu sửa chữa lại toàn bộ chiếc ghe ngo, đến khâu thuê huấn luyện viên cho đội. Chính vì vậy, khi huy động lực lượng vận động viên tham gia tập luyện, tinh thần của anh em trong đội rất hăng hái. Đến nay, đội chúng tôi tập luyện được hơn 20 ngày. Hy vọng hội đua kỳ này, đội ghe ngo của chùa tiến sâu một bước để đạt thành tích tốt”.
Nói về nghệ thuật đóng ghe ngo, nghệ nhân Danh Tùng chia sẻ:
Đóng ghe ngo đòi hỏi người thợ phải thông thạo về chọn loại gỗ, tỉ mỉ, khéo tay và thạo về kỹ thuật. Không chỉ giữ được nét đẹp truyền thống của ghe ngo, mà còn phải đảm bảo lướt thật nhanh trên mặt sóng. Mỗi chiếc ghe ngo đóng mới mất thời gian khoảng 1 tháng rưỡi để hoàn thành.
Không chỉ đóng ghe ngo mới, đồng bào Khmer còn rất chú trọng trong việc trang trí ghe ngo với những họa tiết hoa văn nổi bật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Để tiết kiệm được một phần chi phí, sau khi thợ đóng hoàn thiện, một số chùa còn tận dụng những họa sĩ “cây nhà lá vườn” tự vẽ hoa văn để thể hiện tài năng sẵn có của chùa.
Nhà sư trẻ Danh Quốc đang chăm chú vẽ những đường nét hoa văn ghe ngo chùa Ôchum Aram Prếk Chếk, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: THẠCH PÍCH |
Có mặt tại chùa Ôchum Aram Prếk Chếk, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm), sư Danh Quốc đang chăm chú vẽ những đường nét hoa văn, màu sắc trên thân ghe ngo của chùa chia sẻ: “Để tiết kiệm một phần kinh phí cho nhà chùa, năm nay một mình sư đảm nhận vẽ toàn bộ hoa văn cho 2 chiếc ghe ngo (nam và nữ). Mỗi chiếc, sư đều vẽ hoa văn riêng, nhưng vẫn đảm bảo màu sắc tinh tế và đặc trưng. Đây cũng là lần đầu tiên, sau khi đi học vẽ trở về chùa sư vẽ hoa văn cho những chiếc ghe ngo của chùa. Khi vẽ hoàn chỉnh 2 chiếc ghe ngo, được sư sãi, bà con phật tử và các vận động viên khen, sư cảm thấy rất vui”.
Với tài nghệ của mình, từ nhiều năm nay, nhiều nghệ nhân Khmer đã để lại nhiều tác phẩm đã và đang được lưu trữ tại các chùa Khmer trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, tạo thêm phần đặc sắc cho Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sắp tới. |
THẠCH PÍCH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin