Góc bếp quê nhà

05:56, 28/09/2024

STO - Ai đã từng sinh ra, lớn lên ở vùng nông thôn, có lẽ không thể nào quên được hình ảnh góc bếp quê nhà. Đó không chỉ đơn thuần là nơi để nhóm bếp nấu bữa cơm quê mà nó còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị tinh thần tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn con người ta khôn lớn.

Ngày trước ở quê, nhà cửa phần lớn được dựng bằng cây, lá, đây là những vật liệu có sẵn không phải tốn nhiều chi phí mua sắm. Tuy nhiên, loại nhà này có hạn chế là dễ chịu tác động của thiên tai, đặc biệt là mưa bão, hỏa hoạn. Chính vì điều đó mà các cụ cao niên luôn tính kế phòng xa, đa số nhà ở quê thường tách biệt với bếp nấu ăn, mỗi gia đình đều có một góc bếp sau nhà.

Tùy theo điều kiện gia đình mà góc bếp được dựng lên rộng hay hẹp, nhưng yêu cầu chung là phải chắc chắn, kín mưa, kín gió. Ở quê thường có tục thờ ông Táo nên ở trung tâm của gian bếp, phía trên cùng thường có lư hương để chủ nhà thắp hương mỗi ngày. Phía dưới là giàn bếp dùng để đặt cà ràng phục vụ cho việc nấu nướng. Cà ràng là một loại bếp phổ biến được người dân tự nắn bằng nguyên liệu đất sét, có độ bền rất lâu. Dù vậy, cà ràng mỗi năm thường được thay một lần vào dịp đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp.

Góc bếp quê. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN
Góc bếp quê. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Phía dưới giàn bếp thường có một khoảng trống để đặt củi khô vào đốt. Phía trên là gác bếp. Gác bếp được làm bằng các loại tre già nên có tuổi thọ thậm chí còn cao hơn cả gian bếp. Với người dân quê thì gác bếp vô cùng khả dụng, có thể dùng để đặt các bó lá dừa khô phục vụ cho việc nhóm lửa hay đặt các loại nông cụ như nọc cấy, thúng, rổ bằng tre lên đó. Khói bếp giúp cho việc bảo quản chúng rất tốt, chống chọi hiệu quả với các loại mối mọt phá hoại. Gác bếp cũng có thể dùng để bảo quản thức ăn như khô hoặc các loại thịt phơi khô, đặc biệt ở quê ai cũng biết làm món ốc gác bếp. Ốc bắt ngoài ruộng về cho vào túi lưới rồi đem treo lên gác bếp để được cả tuần lễ mà ốc không hề chết, trái lại chúng rất mập mạp, khi nào dùng đem ra rửa sạch rồi chế biến là hết sảy.

Bên trong gian bếp quê còn có hũ đựng gạo, tủ chén. Nhà nào khá giả thì có thể mua hoặc đóng tủ bằng gỗ, nhà nào khó khăn thì cũng có một cái tủ chén bằng tre dùng để đựng chén, bát, các loại nguyên liệu dùng để nấu ăn hoặc bảo quản thức ăn thừa để dành cho ngày hôm sau. Hai bên vách của gian bếp thường dùng để treo các loại xoong nồi. Người dân quê chân chất nhưng cũng có nhiều sáng tạo rất hiệu quả. Thời kinh tế còn khó khăn thay vì sử dụng các loại giá treo, móc treo bằng kim loại xa xỉ thì họ sử dụng các loại móc treo tự chế bằng mắt tre rất chắc chắn.

Góc bếp quê nhà tưởng chừng giản đơn nhưng lại chứa đựng trong đó bao nhiêu là kỷ niệm. Góc bếp là nơi để mẹ nấu bữa cơm thơm mùi gạo mới, là nơi cha nhóm lửa buổi chiều đông để xua đi cơn lạnh. Từ gian bếp quê nghèo những đứa bé gái được mẹ truyền dạy cho biết cách tề gia nội trợ để sau này lớn lên theo chồng trở thành vợ hiền, dâu thảo. Rồi cũng từ gian bếp quê nhà mà nhiều món ăn dân dã, nhiều món bánh ngon đã rời quê lên phố thị phục vụ nhu cầu của thực khách gần xa.

Theo thời gian, hình ảnh góc bếp quê nhà cũng thưa dần nơi làng quê. Thay vào đó là bếp gas, bếp điện hiện đại được đặt trên những giàn bếp bêtông được lát gạch men bóng loáng. Gian bếp quê giờ trở nên lạ lẫm với những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên sau này. Nhưng đâu đó, vẫn còn nhiều người nhớ và yêu làm sao góc bếp quê nhà.

QUÁCH TẤN THUẦN